Hiện nay, ôtô cũ đã qua sử dụng được rất nhiều người quan tâm và tìm mua. Tuy nhiên, chọn và kiểm tra xe như thế nào để không bị "hớ" là điều mà không phải ai cũng biết.
1. Thân xe
Kiểm tra thân xe là điều đầu tiên bạn nên làm khi tiếp cận với một chiếc xe cũ. Kiểm tra nước sơn, độ phẳng, cong của lớp vỏ, gỉ sét là những yếu tố có thể nhìn bằng mắt thường thông qua đó phần nào nhận định tuổi thọ hoặc độ bền của xe.
2. Lốc máy
Kiểm tra mặt dưới lốc máy xem có bị rỉ nhớt hay không? Nếu có thì nhiều khả năng máy bị mòn gioăng. Trường hợp không rỉ nhớt cũng có thể do nhiều người lường trước được nên sử dụng nhớt đặc loại 20w-40 hay 30w-50, loại này cũng có tác dụng ngăn những xe hở bạc không ra khói đen. Thực tế vẫn nên dùng loại nhớt yêu cầu theo xe là tốt nhất.
3. Kính chắn gió
Xem xét tất cả các cửa sổ và kính chắn gió phía trước và phía sau xe để nhận định về khả năng đã xảy ra va chạm mạnh hay không. Lưu ý ở bất kỳ các dấu hiệu có vết mài, nứt hoặc độ lỏng lẻo khi tác động lực nhẹ vào. Các yếu tố này có thể chỉ ra rằng chiếc xe đã từng bị va chạm và sửa chữa hoặc lâu không được bảo dưỡng kỹ càng.
4. Lốp, hệ thống giảm xóc
Kiểm tra độ bền lốp, áp suất lốp còn đủ tiêu chuẩn hay không, có cần thay thế hay không để làm yếu tố thương thảo giá. Hệ thống giảm xóc cũng quan trọng không kém, thử cho xe chạy ở những loại địa hình khác nhau để kiểm tra phản ứng.
5. Cánh cửa
Kiểm tra các cánh cửa đóng có sát không, có bị hở hay vênh không? Nếu có thì xe đã va chạm, tùy thuộc vào mức độ va chạm ít hay nhiều mà cân nhắc.
6. Tay lái
Để kiểm tra một chiếc xe ô tô đã qua sử dụng việc lái thử là rất cần thiết, mỗi chiếc bạn cần lái thử ít nhất 2 lần, nên lái xe thử trên đường yên tĩnh để có thể nghe tiếng máy có êm không.
Sau khi bạn quyết định được chiếc xe này tốt thì hãy lái nó ở phạm vi rộng hơn, ít nhất là nửa tiếng lái thử. Nếu có thể bạn hãy lái xe thử ở các loại đường khác nhau để xem xét góc độ xử lý tình huống của xe.
7. Đèn xe
Hệ thống đèn là rất cần thiết khi di chuyển ban đêm hay qua những vùng nhiều sương mù, hay có mưa. Đèn pha trước sau, đèn phanh và đèn tín hiệu đều cần được thử nghiệm độ sáng, độ chiếu xa cũng nhưng tuổi thọ đèn.
8. Máy lạnh
Kiểm tra cánh quạt máy lạnh có chạy hay không, nếu không thì xe vẫn lạnh nhưng hơi yếu.
9. Phanh xe
Nếu đạp chân trên bàn đạp thắng không thấy chắc hoặc đạp thắng thấy rung xe hoặc rung tay lái hoặc khi phanh xe mà nghe thấy tiếng rít ken két, hoặc âm thanh kim loại chà vào nhau thì nguyên nhân có thể là thiếu dầu thắng, hoặc dầu bị rò rỉ; đĩa phanh đã quá mòn cần phải tráng mặt lại hoặc biết lớp bố thắng đã mòn.
10. Bảng điều khiển
Bảng đồng hồ điều khiển cùng các nút bấm hoặc màn hình cảm ứng cần chính xác, cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về tình trạng xe và hành trình di chuyển. Thử tất cả các nút bấm dù là nhỏ nhất như âm lượng, chuyển bài hát để chắc chắn rằng mọi bộ phận của xe đều hoạt động trơn tru với nhau.
11. Chân máy
Có 4 chân máy (engine mount) bằng cao su. Nếu chân máy bị gãy sẽ gây hiện tượng giật khi đề pa, chi phí thay thế rất đắt.
Cách kiểm tra: mở nắp ca-pô, vào số 1 rồi nhấn ga, thấy máy giật mạnh ngược về sau hoặc ngược lên trước thì thay. Cũng dễ nhìn bằng mắt thường ở các chân cao su. Hầu hết xe ôtô cũ giá rẻ đều gặp hiện tượng này.
12. Ống xả
Thực hiện ga mạnh xe để kiểm tra lượng khói thoát ra từ ống xả và màu của khói có màu lạ không, nếu khói có màu lạ chứng tỏ xe đang thiếu dầu hay lâu chưa thay dầu hoặc ống xả, động cơ gặp trở ngại trong quá trình đốt cháy hay xả khí thải. Ngoài ra cần phải kiểm tra xem ống xả có quá cũ , có gỉ sét hoặc có dấu hiệu thủng hay không.
13. Két làm mát, ống dẫn
Két nước làm mát là bộ phận đầu tiên dễ dàng kiểm tra bên dưới nắp ca-pô. Nếu dung dịch không nhiều, có hiện tưởng dính bẩn thì chứng tỏ chủ cũ đã không quan tâm nhiều tới bộ phận này. Người thợ kỹ thuật cũng sẽ kiểm tra kỹ lưỡng các lá tản nhiệt để chắc chắn không bị mỏng hay xốp. Đường dẫn nước mát cũng nên soi xét để biết có cần thay hay không.
14. Côn (ly hợp)
Cách nhận biết côn bị mòn với số sàn: nhả hết phanh, vào số 2, nhấn ga và thả côn từ từ. Nếu đạp mạnh ga mà xe không di chuyển thì cần thay. Cách thứ hai là tắt máy, đạp côn, nếu nghe tiếng ồn tức là côn đã mòn.
15. Hộp số
Hộp số cũng phải được kiểm tra thật kỹ lưỡng ở nhiều tốc độ khác nhau, đặc biệt với số sàn, kiểm tra xem có tiếng động lạ phát ra mỗi lần vào số, chân ga có bắt đều với ly hợp không, sức kéo của xe kém đều là những dấu hiện chứng tỏ hệ thống truyền động của xe cần được kiểm tra lại. Cần phải xem xét những trường hợp này trước khi mua.
16. Dầu nhớt
Dầu bôi trơn động cơ cũng như máu của cơ thể sinh vật, nếu không đủ dung tích hoặc chất lượng không tốt thì cỗ máy sẽ không thể cho hiệu suất cao, nhanh hao mòn. Giống với nước mát, dầu bôi trơn nên kiểm tra lượng và chất.
Kinh nghiệm mua xe ô tô cũ bạn cần biết
Mua xe đã qua sử dụng là giải pháp hợp lý cho những người có điều kiện eo hẹp về tài chính. Tuy nhiên vì là hàng đã qua sử dụng nên cũng tiềm ẩn khá nhiều cạm bẫy, đòi hỏi người mua phải tỉnh táo hơn. Những chia sẻ về kinh nghiệm mua xe ô tô cũ dưới đây sẽ giúp bạn an tâm hơn phần nào.
Trước khi quyết định mua một chiếc xe, bạn phải chuẩn bị đủ tài chính để mua xe, bao gồm cả phí đăng kí sang tên, bảo hiểm và chi phí bảo dưỡng định kỳ, chi phí nuôi xe.v.v... Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ tài chính, công việc tiếp theo cần làm là tìm hiểu thông tin về dòng xe mình muốn mua và thông tin thị và cả những kinh nghiệm mua xe ô tô đã qua sử dụng từ trên các diễn đàn và bạn bè xung quanh. Việc làm này rất quan trọng và nó có thể giúp bạn nắm được ưu-nhược điểm của dòng xe muốn mua và không bị "hớ" giá.
Khi đã tìm được chiếc xe ưng ý, công việc tiếp theo là đi xem trực tiếp và kiểm tra tổng quát chiếc xe. Hãy kiểm tra nội, ngoại thất, khả năng vận hành máy móc, mức tiêu thụ nhiên liệu,.. của chiếc xe. Nếu không rành về xe, bạn nên yêu cầu đem xe đến trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra chi tiết chính xác hơn. Hoặc tốt nhất là mua xe đã qua sử dụng ở các trung tâm có bảo hành chính hãng như Ford, Toyota, Mercedes-Benz.v.v...
Nếu mua xe của cá nhân, bạn nên yêu cầu đến trung tâm bảo dưỡng chính hãng để kiểm tra kỹ toàn bộ xe cho "chắc ăn". Các dòng xe hạng sang như Mercedes, BMW, Audi đều có lưu lại lịch sử của xe, bạn có thể yêu cầu chủ xe cho bạn kiểm tra những thông tin này. Các bộ phận của xe cần kiểm tra kỹ bao gồm: thân xe, động cơ, phanh, hệ thống truyền động, hệ thống giảm xóc, hệ thống đèn, quạt thông gió và điều hòa không khí, két làm mát, ống dẫn, ống xả, bảng điều khiển, lốp... Ngoài ra bạn cần kiểm tra các đồng hồ báo, các nút bấm ở bảng điều khiển. Hãy chắc chắn rằng mọi thứ vẫn hoạt động ổn định.
Sau công đoạn kiểm tra tổng quát xe, bạn nên lái thử xe để cảm nhận thực tế độ ổn định của xe, máy móc, giảm xóc, hệ thống truyền động có êm ái và mượt mà hay không... Mục đích là để đánh giá lần nữa về chiếc xe mình muốn mua.
Sau cùng, hãy khéo léo "đàm phán" để giảm bớt chi phí mua xe. Bạn nên tận dụng những điểm yếu của chiếc xe và khả năng đàm phán của mình để thương lượng giá cả cuối cùng với chủ xe hoặc doanh nghiệp mua bán. Với những chia sẻ về kinh nghiệm mua xe ô tô cũ trên đây, hy vọng bạn sẽ có được sự lựa chọn chính xác và hợp lý nhất.
Nguồn: http://xeotocugiare.com/16-bo-phan-can-kiem-tra-khi-chon-mua-xe-oto-cu-110.html